Năm 2024, Đội QLTT số 5 kiểm tra, xử lý 22 vụ vi phạm với tổng giá trị trên 1,1 tỷ đồng trong môi trường thương mại điện tử
Hiện nay thị trường thương mại điện tử (TMĐT) ngày càng được mở rộng và hiện đã trở thành phương thức kinh doanh phổ biến được nhiều doanh nghiệp, người dân biết đến. Hoạt động bán hàng thông qua các sàn giao dịch TMĐT (tiki, lazada, shopee,…), các website bán hàng và thông qua các nền tảng mạng xã hội (zalo, facebook, tiktok…), đang ngày càng phát triển và là xu thế tất yếu trong thời gian tới. Do đó công tác phòng, chống vi phạm trong thương mại điện tử được xác định là nhiệm vụ chính, trọng tâm của lực lượng Quản lý thị trường.
Thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Cục Quản lý thị trường về việc thực hiện “Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025” và Kế hoạch số 56/KH-QLTTLCA ngày 26/7/2024 của Cục QLTT tỉnh Lào Cai về kiểm tra và xử lý vi phạm trong thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh Lào Cai; Đội QLTT số 5 đã thường xuyên phối hợp với Tổ Thương mại điện tử - Cục Quản lý thị trường tỉnh Lào Cai, Công an tỉnh Lào Cai, Đội liên ngành 389 tỉnh Lào Cai thực hiện các biện pháp nắm thông tin địa bàn và nắm bắt, xử lý vi phạm về hoạt động kinh doanh trong môi trường thương mại điện tử.
Hình ảnh: Kiểm soát viên Đội QLTT số 5 nắm bắt thông tin trong môi trường TMĐT
Hiện nay, hoạt động TMĐT trên địa bàn tỉnh Lào Cai khá đa dạng từ hoạt động trên các sàn TMĐT (Lazada, Shoppee, Sendo,…), các Website bán hàng của các doanh nghiệp đến hình thức mua bán qua các trang mạng xã hội của cá nhân (facebook, zalo,tiktok…). Hoạt động mua bán qua các kênh TMĐT tại tỉnh Lào Cai đang diễn ra ở cả hai chiều, bao gồm hoạt động của người tiêu dùng, người kinh doanh mua hàng từ các tỉnh, thành khác chuyển vào Lào Cai; hoạt động của các tổ chức, cá nhân tại Lào Cai thực hiện bán hàng trong nội tỉnh và bán đi các tỉnh, thành khác trong toàn quốc.
Hình ảnh: Đội QLTT số 5 phối với lực lượng Công an tỉnh kiểm tra cửa hàng vi phạm trong kinh doanh, thu giữ hàng nghìn sản phẩm trang sức mỹ ký thời trang được live tream bán trên mạng xã hội
TMĐT đang ngày càng phát triển nhanh chóng, bên cạnh những người kinh doanh chân chính, sử dụng TMĐT để phát triển sản xuất, kinh doanh thì vẫn còn đó những đối tượng lợi dụng sự tiện lợi của TMĐT để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, mà hiện nay kinh doanh trên nền tảng TMĐT đã xuất hiện nhiều chiêu trò mới với các phương thức, thủ đoạn tinh vi, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát.
Để qua mặt người tiêu dùng, các đối tượng buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ thường sử dụng những hình ảnh bắt mắt, có thể là hình ảnh của hàng thật, hàng chính hãng để rao bán, quảng cáo với giá rẻ hơn nhiều so với các cửa hàng kinh doanh cố định, khi khách hàng hỏi mua thì thường chỉ nhận nhắn tin riêng; lập nhiều tài khoản Facebook để chạy quảng cáo, sử dụng hình thức livestream để quảng cáo, bán sản phẩm thay vì dùng hình ảnh tĩnh như trước…
Bên cạnh hoạt động mua bán trên mạng xã hội và các sàn TMĐT, hiện nay tại Lào Cai, nhiều tổ chức, cá nhân đã thiết lập website để quảng bá và giao dịch trên các website này. Theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Nghị định 52/2013 của Chính phủ được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 9 Điều 1 Nghị định 85/2021/NĐ-CP của Chính phủ (Nghị định quy định về TMĐT) thì trách nhiệm của thương nhân, tổ chức, cá nhân sở hữu website thương mại điện tử bán hàng là Thông báo với Bộ Công Thương về việc thiết lập website thương mại điện tử bán hàng. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân dẫn đến vẫn còn những tổ chức, cá nhân vi phạm trong hoạt động này, với hành vi vi phạm phổ biến là Không thông báo website thương mại điện tử bán hàng hoặc ứng dụng bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định trước khi bán hàng hoặc cung ứng dịch vụ đến người tiêu dùng.
Hình ảnh: Đội QLTT số 5 phối với lực lượng Công an tỉnh kiểm tra, xử lý cơ sở kinh doanh thực phẩm phẩm đông lạnh không rõ nguồn gốc xuất xứ
Trong năm 2024, Đội QLTT số 5 - Cục QLTT tỉnh Lào Cai đã phát hiện và xử lý 22 vụ vi phạm (tăng 10 vụ so với năm 2023); Tổng giá trị xử lý: 1.170.540.000 đồng, trong đó: xử phạt vi phạm hành chính 480.500.000 đồng, trị giá hàng hóa vi phạm 690.040.000 đồng. Đây là kết quả của sự quyết tâm và việc thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như: rà soát trên địa bàn quản lý các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực TMĐT; tăng cường lực lượng kiểm tra, xử lý đối với các doanh nghiệp, cá nhân hoạt động TMĐT kinh doanh những mặt hàng thiết yếu, mặt hàng cấm, hạn chế kinh doanh, hàng có nhu cầu tiêu dùng lớn không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hảng giả…, ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trong BCĐ 389 và các Đội QLTT địa bàn trong công tác đấu tranh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong môi trường thương mại điện tử của Đội QLTT số 5./.