Ngày 30/12/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 174/2024/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.

Nghị định có 3 Chương, 47 Điều; trong đó có một số nội dung đáng chú ý như:
1. Nguyên tắc xác định mức phạt tiền khi có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trong kinh doanh bảo hiểm
Trong đó, quy định về nguyên tắc xác định mức phạt tiền trong trường hợp có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ như sau:
Khi xác định mức phạt tiền đối với tổ chức, cá nhân vi phạm vừa có tình tiết tăng nặng, vừa có tình tiết giảm nhẹ thì được giảm trừ tình tiết tăng nặng theo nguyên tắc một tình tiết giảm nhẹ được giảm trừ một tình tiết tăng nặng.
Theo đó, mức phạt tiền cụ thể đối với một hành vi vi phạm áp dụng như sau:
- Nếu không có tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng thì áp dụng mức trung bình của khung tiền phạt;
- Trường hợp có 01 tình tiết giảm nhẹ thì áp dụng mức trung bình giữa mức trung bình và mức tối thiểu của khung tiền phạt;
- Trường hợp có 02 tình tiết giảm nhẹ trở lên thì áp dụng mức tối thiểu của khung tiền phạt;
- Trường hợp có 01 tình tiết tăng nặng thì áp dụng mức trung bình giữa mức trung bình và mức tối đa của khung tiền phạt;
- Trường hợp có 02 tình tiết tăng nặng trở lên thì áp dụng mức tối đa của khung tiền phạt.
Ngoài ra, còn quy định nguyên tắc xác định thời hạn đình chỉ đối với vi phạm có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ như sau:
- Nếu không có tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng thì áp dụng thời hạn đình chỉ trung bình của khung xử phạt;
- Trường hợp có 01 tình tiết giảm nhẹ thì áp dụng thời hạn đình chỉ trung bình giữa mức trung bình và mức tối thiểu của khung xử phạt;
- Trường hợp có 02 tình tiết giảm nhẹ trở lên thì áp dụng thời hạn đình chỉ tối thiểu của khung xử phạt;
- Trường hợp có 01 tình tiết tăng nặng thì áp dụng thời hạn đình chỉ trung bình giữa mức trung bình và mức tối đa của khung xử phạt;
- Trường hợp có 02 tình tiết tăng nặng trở lên thì áp dụng thời hạn đình chỉ tối đa của khung xử phạt.
2. Có 07 hành vi vi phạm gồm
- Hành vi vi phạm quy định về thành lập và hoạt động.
- Hành vi vi phạm quy định về tổ chức hoạt động.
- Hành vi vi phạm quy định về cung cấp sản phẩm bảo hiểm.
- Hành vi vi phạm quy định về hoạt động môi giới bảo hiểm, đại lý bảo hiểm, phụ trợ bảo hiểm và Văn phòng đại diện nước ngoài tại Việt Nam.
- Hành vi vi phạm quy định về khả năng thanh toán, quản trị rủi ro, kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ.
- Hành vi vi phạm quy định về chế độ báo cáo, công khai thông tin.
- Hành vi vi phạm quy định về phòng, chống rửa tiền, phòng, chống tài trợ khủng bố, phòng, chống phổ biến vũ khí huỷ diệt hàng loạt trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nhân thọ.
3. Điều khoản chuyển tiếp
- Đối với trường hợp quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã được ban hành trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành mà sau thời điểm có hiệu lực của Nghị định này, cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính còn khiếu nại thì được giải quyết theo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm có hiệu lực tại thời điểm thực hiện hành vi vi phạm hành chính.
- Đối với hành vi vi phạm hành chính xảy ra và đã kết thúc trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành mà sau đó mới bị phát hiện hoặc đang xem xét, giải quyết để xử phạt vi phạm hành chính thì áp dụng Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm có hiệu lực tại thời điểm thực hiện hành vi vi phạm, trừ trường hợp Nghị định này không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn cho cá nhân, tổ chức vi phạm thì áp dụng các quy định về xử phạt quy định tại Nghị định này.