Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Lào Cai xử lý 54 vụ việc vi phạm trong “Thánh hành động vì an toàn thực phẩm năm 2025”

Thực hiện công văn số 380/TTTN-NV ngày 15/4/2025 của Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước về việc triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” và công tác hậu kiểm an toàn thực phẩm năm 2025; Kế hoạch số 160/KH-UBND ngày 28/3/2025 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Lào Cai triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” tỉnh Lào Cai năm 2025; Kế hoạch số 22/KH-SCT ngày 08/4/2025 của Sở Công Thương tỉnh Lào Cai về việc triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” ngành Công Thương năm 2025. Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Lào Cai đã xây dựng Kế hoạch chuyên đề triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2025 trên địa bàn tỉnh Lào Cai, với mục tiêu:
Tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, nhập khẩu, kinh doanh, lưu thông, buôn bán thực phẩm, bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; đặc biệt các địa phương có đường biên giới, cửa khẩu, các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, các làng nghề; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm về an ninh, an toàn thực phẩm;
Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp uỷ, tổ chức Đảng, cán bộ, Đảng viên và Nhân dân trong bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; Đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm; kịp thời thông tin các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng cao, các cơ sở vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, an toàn thực phẩm;
Nâng cao năng lực phòng ngừa, chủ động xử lý ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm; giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn;
Thông qua đợt kiểm tra, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những bất cập, yếu kém trong công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn.
Kết quả triển khai: Từ ngày 15/4/2025 đến hết ngày 15/5/2025, lực lượng QLTT tỉnh Lào Cai đã thực hiện kiểm tra 54 lượt/vụ; phát hiện, xử lý 48 vụ vi phạm. Tổng giá trị xử lý trên 460 triệu đồng (trong đó: Số tiền xử phạt VPHC: 235 triệu đồng, trị giá hàng hóa vi phạm tiêu huỷ: 225 triệu đồng).
Hành vi vi phạm chủ yếu: Kinh doanh hàng hoá là thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm về điều kiện an toàn thực phẩm tại cơ sở kinh doanh; vi phạm về niêm yết giá,...
Hàng hoá vi phạm buộc tiêu huỷ gồm: 37 lọ/ hộp sữa bột, sữa non các loại; 173 sản phẩm sữa tươi, sữa chua các loại; 05 gói bột ăn dặm; 84 gói nước Hồng Sâm; thực phẩm chức năng: 26 hộp/lọ viên uống Glucosamine; vitamin elevit; Ca, D3, Mg; Omega-3; Milk Canxi; Sắt Blackmorec; 09 hộp nước muối uống dạng ống các loại; 261 kg lạp xưởng đóng gói; ; 1.075 gói tăm cay, gà cay, chân gà và cánh gà; 23 kg đùi gà; 218 gói bột ớt khô; 2.300 kg quả táo đỏ; 35 gói trà hoa cúc đường phèn loại 500 gam/gói; 300 gói cổ vịt ăn liền; 244 sản phẩm bánh kẹo các loại; 66 lọ/dây Kem xốp; 16 túi ô mai mận,...
Đội QLTT số 01 tiêu hủy hàng hóa vi phạm
Trong thời gian tới, Chi cục QLTT tỉnh Lào Cai sẽ tiếp tục chỉ đạo các Đội QLTT trực thuộc:
(1) Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn kịp thời các hành vi kinh doanh thực phẩm nhập lậu, thực phẩm giả, không rõ nguồn gốc, thực phẩm kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng. Chú trọng kiểm tra, xử lý các cơ sở kinh doanh thực phẩm theo phương thức đa cấp; các tổ chức, cá nhân có hoạt động thương mại điện tử đối với các mặt hàng thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, sản phẩm dinh dưỡng công thức dùng cho trẻ nhỏ;
(2) Chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác quản lý địa bàn để kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong đó có mặt hàng thịt lợn; ngăn chặn các hành vi vi phạm về giá, hành vi lợi dụng thiên tai, dịch bệnh, nhu cầu tiêu dùng để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm theo quy định của pháp luật;
(3) Chủ động nắm bắt diễn biến thị trường, chủ trì hoặc phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm trong nội địa và tuyến biên giới, không để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm trên địa bàn;
(4) Phối hợp với các cơ quan thông tin truyền thông, các cơ quan liên quan, thực hiện tuyên truyền phổ biến pháp luật về an toàn thực phẩm; thông qua công tác kiểm tra, xử lý vi phạm tuyên truyền các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về tác hại của việc sử dụng thực phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm và kịp thời thông tin về các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có dấu hiệu vi phạm đến các cơ quan chức năng để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật./.